Trong thực tế, rất nhiều chủ xe thế chấp ngân hàng gặp khó khăn về thủ tục khi đăng kiểm định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm. Vậy chủ phương tiện cần xuất trình những giấy tờ gì trong trường hợp này.
1. Giấy đăng ký xe có chứng thực ( công chứng, tư pháp, ủy ban các cấp)
2. Biên nhận thế chấp còn hạn ( theo quy định tại Cv 7000 NHNN)
3. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hạn
4. Giấy chứng nhận đăng kiểm cũ
Việc yêu cầu chủ xe trình bản sao giấy đăng ký xe có chứng thực là thực hiện đúng quy định của Cục Đăng kiểm. Việc này cũng giúp hàng chục ngàn chủ xe vay tiền ngân hàng mua xe chạy taxi công nghệ tránh bị lực lượng chức năng kiểm tra trên đường xử phạt vì bản sao giấy đăng ký xe đã hợp lệ
Để tránh phiền phức và mất thời gian, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, với loại xe thế chấp ngân hàng theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm VN, khi đến đăng kiểm, lái xe và chủ xe cần xuất trình đủ 2 loại giấy tờ: Bản sao chứng thực giấy đăng ký xe ô tô và giấy biên nhận thế chấp của tổ chức tín dụng nhận thế chấp.
Giấy đăng ký xe có chứng thực
Giấy biên nhận thế chấp phải có tối thiểu các nội dung: Tên gọi (giấy biên nhận thế chấp), số giấy biên nhận; Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng thế chấp; Tên của bên thế chấp, số chứng minh thư nhân dân (hoặc căn cước) của bên thế chấp là cá nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư, số quyết định thành lập (đối với pháp nhân), số giấy chứng nhận đăng ký xe, loại xe, số khung, số máy, biển kiểm soát xe; Thời hạn hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp; Lần, số cấp lại Giấy biên nhận thế chấp (nếu cấp lại). Giấy biên nhận thế chấp phải có đủ chữ ký, ghi rõ họ tên của cán bộ có thẩm quyền và đóng dấu của tổ chức tín dụng nhận thế chấp.
Biên nhận thế chấp
Ngày 31/08/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 7000/NHNN-PC hướng dẫn việc cấp Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về nội dung Giấy biên nhận thế chấp, theo NHNN Giấy biên nhận thế chấp phải bao gồm ít nhất 07 nội dung sau:
1.Tên gọi: Giấy biên nhận thế chấp;
2. Số Giấy biên nhận thế chấp;
3. Tên, địa chỉ của TCTD nhận thế chấp;
4. Tên của bên thế chấp; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc số chứng minh quân nhân đối với bên thế chấp là cá nhân; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc số giấy phép đầu tư hoặc số giấy chứng nhận đầu tư hoặc số quyết định thành lập đối với bên thế chấp là pháp nhân;
5. Số giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, loại phương tiện giao thông, số khung, số máy, biển kiểm soát của phương tiện giao thông;
6. Thời hạn có hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp;
7. Lần cấp lại, số Giấy biên nhận thế chấp được thay thế đối với trường hợp cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
Đồng thời, NHNN cũng quy định các TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm cấp một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày TCTD nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đối với trường hợp cấp mới; hoặc 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên thế chấp đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
Thời hạn hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Về việc cấp đổi Giấy biên nhận thế chấp được thực hiện trong hai trường hợp khi Giấy biên nhận thế chấp bị hư hỏng hoặc khi Giấy biên nhận thế chấp cần thay đổi thông tin. Để được cấp đổi Giấy biên nhận thế chấp, thì bên thế chấp có trách nhiệm nộp lại bản gốc Giấy biên nhận thế chấp đã cấp và TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm thu hồi bản gốc Giấy biên nhận thế chấp cũ và cấp một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp mới.
Về việc cấp lại Giấy biên nhận thế chấp được thực hiện trong hai trường hợp sau:
Một là, trường hợp TCTD nhận thế chấp và bên thế chấp có thỏa thuận thay đổi thời hạn thế chấp dẫn đến thời hạn thế chấp ngắn hơn thời hạn có hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp, thì bên thế chấp có trách nhiệm nộp lại bản gốc Giấy biên nhận thế chấp đã cấp; TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm cấp lại một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp mới.
Hai là, trường hợp mất Giấy biên nhận thế chấp, việc cấp lại Giấy biên nhận thế chấp được thực hiện như sau: Bên thế chấp phải có văn bản thông báo rõ về việc mất Giấy biên nhận thế chấp kèm đề nghị cấp lại Giấy biên nhận thế chấp. Ngoài ra, bên thế chấp phải cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông báo; TCTD nhận thế chấp cấp lại một bản gốc Giấy biên nhận thế chấp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ Văn bản xác nhận của TCTD nhận thế chấp về việc TCTD giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã cấp trước ngày 01/09/2017 không có giá trị kể từ ngày 01/12/2017.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD nhận thế chấp phải tổ chức thực hiện cấp Giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp trong toàn hệ thống theo đúng hướng dẫn; đồng thời, phối hợp với Bộ Công an trong quá trình trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp Giấy biên nhận thế chấp khi có yêu cầu.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới đối với bên thứ ba là loại hình bảo hiểm mà tất cả các cá nhân tổ chức (bao gồm người nước ngoài) sở hữu xe cơ giới tại Việt Nam đều phải tham gia theo quy định của nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba trong trường hợp nếu chẳng may chủ xe, lái xe gây thiệt hại …
Giấy chứng nhận đăng kiểm cũ
Là Giấy chứng nhận đăng kiểm mà hiện tại.
Quy trình đăng kiểm cũng khá dễ dàng và đơn giản. Hãy thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Hãy chuẩn bị đầy đủ nhất những giấy tờ cần thiết ở trên nhằm giảm chi phí, công sức và thời gian thực hiện. Bên cạnh đó hãy chuẩn bị thêm lệ phí đăng kiểm xe ô tô, với xe con là 240.000 đồng và lệ phí cấp giấy chứng nhận là 50.000 đồng. Xe sẽ được phát số chờ lượt vào khám.
Bước 2: Khám xe
Nếu xe của bạn không có vấn đề gì thì thời gian khám xe chỉ khoảng 5-10 phút, còn nếu xe của bạn không đạt yêu cầu, bạn sẽ phải chờ nhân viên đăng kiểm mang đi sửa rồi quay lại lấy sau. Vì thế để tránh mất thời gian cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho chính bản thân mình, các bạn nên kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm.
Bước 3: Đóng phí bảo trì đường bộ
Nếu xe ô tô đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn đăng kiểm, lái xe sẽ tiếp tục đóng phí bảo trì đường bộ. Trường hợp bạn đưa xe đi khám từ lần thứ 2 trở đi nếu xe chưa hết hạn bảo hiểm thì không cần đóng.
Bước 4: Dán tem đăng kiểm mới
Hoàn tất toàn bộ thủ tục đăng kiểm xe ô tô bạn sẽ được tiến hành dán tem mới, nhận hồ sơ đăng kiểm và kết thúc toàn bộ việc này.