Xe bán tải tại Việt Nam, cả Ford Ranger cũng như Mazda BT-50 đều là những cái tên đáng chú ý khi nắm trong tay nhiều lợi thế cạnh tranh. Ford Ranger được phần lớn khách hàng ưa chuộng, qua đó liên tục dẫn đầu phân khúc về doanh số, trong khi Mazda BT-50 do THACO AUTO nhập khẩu, phân phối tạo sự hấp dẫn, cạnh tranh về mặt giá và liên tục áp dụng ưu đãi, giảm giá bán.
Mỗi mẫu xe đều có điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh riêng để tạo sức hút với khách hàng Việt Nam. Vậy, với mức giá tầm 900 triệu đồng, Ford Ranger “nội” hay Mazda BT-50 ngoại nhập khẩu sẽ là lựa chọn đáng “đồng tiền bát gạo”?
Giá bán, đa dạng phiên bản và ưu đãi
Tại thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại, Ford Ranger là mẫu xe bán tải duy nhất lắp ráp trong nước (CKD), trong khi Mazda BT-50 thế hệ mới được THACO AUTO nhập khẩu từ Thái Lan.
So với mẫu bán tải mang thương hiệu Nhật, Ford Ranger cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng hơn khi có tới 5 phiên bản, mức giá niêm yết từ 616 triệu đồng. Trong khi đó, bản tiêu chuẩn của Mazda BT-50 thế hệ mới công bố giá lên đến 659 triệu đồng, cao hơn Ford Ranger XL và XLS từ 9 – 43 triệu đồng. Các phiên bản còn lại của Mazda BT-50 thế hệ mới được một số đại lý báo giá từ 709 – 849 triệu đồng. Điều này có nghĩa ở hai phiên bản trang bị đầy đủ nhất, Mazda BT-50 thế hệ mới có giá thấp hơn Ford Ranger từ 10 – 76 triệu đồng.
Hiện tại, hai mẫu xe này đang được nhà sản xuất, phân phối áp dụng ưu đãi 20 triệu đồng. Với những khách hàng thích trải nghiệm sự mới mẻ, xe nhập và không đụng hàng theo số đông, Mazda BT-50 thế hệ mới là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, Ford Ranger là lựa chọn với những ai không chú trọng nguồn gốc xuất xứ, theo số đông và muốn gia nhập cộng đồng xe bán tải lớn nhất tại Việt Nam.
Kích thước, trang bị: Ranger cơ bắp hầm hố, BT-50 lột xác “chưa tới”
Về kiểu dáng, mỗi mẫu xe tuân theo một ngôn ngữ thiết kế đặc trưng của hãng, tùy theo quan điểm thẩm mỹ cá nhân, mỗi người sẽ có cách nhìn khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung Ford Ranger mang đặc trưng của xe bán tải Mỹ với phong cách mạnh mẽ, cơ bắp hơn. Thân xe tạo dáng chắn chắn với nhiều đường nét cắt xẻ. Trong khi đó, Mazda BT-50 lột xác hoàn toàn khi bước sang thế hệ mới với lưới tản nhiệt đặc trưng của Mazda có thiết kế lớn hơn, phần đầu xe mở rộng, trong khi đuôi xe không có nhiều thay đổi đột phá. Khác với Ford Ranger, cách tạo dáng Mazda BT-50 mềm mại, tròn trịa hơn.
Về kích thước thiết kế, hai mẫu xe này đều mang đặc trưng của dòng xe bán tải với chiều dài hơn 5 mét, trong đó phần thùng xe chiếm gần 1,5 mét, khả năng lội nước lên đến 800 mm. Tuy nhiên, đối chiếu thông số Ford Ranger phiên bản cao cấp nhất Wildtrak dài hơn 82 mm, hẹp hơn 10 mm và cao hơn 20 mm so với Mazda BT-50 phiên bản Premium. Mẫu bán tải Mỹ cũng có thùng xe rộng hơn và chiều dài cơ sở lớn hơn. Tuy nhiên, Mazda BT-50 thiết kế gầm xe cao ráo hơn.
Về kích thước thiết kế, hai mẫu xe này đều mang đặc trưng của dòng xe bán tải với chiều dài hơn 5 mét, trong đó phần thùng xe chiếm gần 1,5 mét, khả năng lội nước lên đến 800 mm. Tuy nhiên, đối chiếu thông số Ford Ranger phiên bản cao cấp nhất Wildtrak dài hơn 82 mm, hẹp hơn 10 mm và cao hơn 20 mm so với Mazda BT-50 phiên bản Premium. Mẫu bán tải Mỹ cũng có thùng xe rộng hơn và chiều dài cơ sở lớn hơn. Tuy nhiên, Mazda BT-50 thiết kế gầm xe cao ráo hơn.
Không gian, trang bị nội thất
Với kích thước nhỉnh hơn, Ford Ranger Wildtrak cung cấp khoang nội thất rộng thoáng hơn so với Mazda BT-50 Premium. Cả hai mẫu bán tải này đều sử dụng vật liệu da, ốp nhựa, viền mạ crôm… để trang trí khoang nội thất. Dù các chi tiết thiết kế đều tập trung vào người lái nhưng phong cách nội thất của hai mẫu xe cũng khác nhau.
Tương tự ngoại thất, khoang nội thất Ford Ranger Wildtrak trông hiện đại, cứng cáp, thể thao hơn với vô lăng, ghế lại bọc da pha nỉ kết hợp chỉ khâu sáng màu. Trong khi, cách sắp xếp Mazda BT-50 Premium cân đối, hài hòa và thực dụng hơn.
Trang bị tính năng trong khoang nội thất của hai mẫu xe này gần như tương đương nhau khi sử dụng ghế bọc da, vô lăng bọc da tích hợp nút chức năng, màn hình cảm ứng, dàn âm thanh 6 loa, hệ thống điều hòa tự động và hàng ghế sau có thể gập. Tuy nhiên, Mazda BT-50 Premium có phần nhỉnh hơn khi ghế lái có thể chỉnh điện 8 hướng thay vì chỉ 6 hướng như Ford Ranger Wildtrak. Hàng ghế sau có cổng sạc và có thể gập linh hoạt theo tỷ lệ 60:40.
Động cơ, vận hành
Cả hai mẫu bán tải này đều sử dụng động cơ dầu (diesel), tuy nhiên đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Ford Ranger và Mazda BT-50 thế hệ mới. Cụ thể, Ford Ranger Wildtrak dùng động cơ dầu Bi-Turbo Diesel 2.0 lít, trục cam kép DOHC có làm mát khí nạp, trong khi Mazda BT-50 thế hệ mới đã chuyển sang dùng động cơ Turbo Diesel DOHC 1.9 lít VGS làm mát khí nạp tương tự Isuzu D-Max. Ở các thế hệ trước, Mazda BT-50 sử dụng chung nền tảng với Ford Ranger. Tuy nhiên, bước sang thế hệ mới, hãng xe Nhật Bản đã chuyển sang hợp tác với hãng xe đồng hương Isuzu.
Về sức mạnh vận hành, động cơ trên Ford Ranger Wildtrak cho công suất lên tới 213 mã lực, mô –men xoắn cực đại 500 Nm, lớn hơn 65 mã lực và 150 Nm so với Mazda BT-50 Premium. Cả hai mẫu xe này đều được trang bị hệ dẫn động 2 cầu, tuy nhiên Ford Ranger Wildtrak dùng hộp số tự động 10 cấp, hệ thống trợ lực lái điện, trong khi Mazda BT-50 sử dụng hộp số 6 cấp và trợ lực lái thủy lực. Xét về khả năng vận hành, rõ ràng Mazda BT-50 Premium dù có khá nhiều thay đổi nhưng chưa thể sánh ngang Ford Ranger Wildtrak.
Trang bị an toàn
Ở phiên bản cao cấp nhất, Ford Ranger và Mazda BT-50 đều trang bị khá nhiều tính năng công nghệ an toàn hỗ trợ người lái. Ford Ranger có thêm hệ thống cảnh báo lệch làn đường và duy trì làn đường, hỗ trợ đỗ xe tự động song song, trong khi Mazda BT-50 không có. Bù lại, mẫu bán tải mang thương hiệu Nhật Bản có hệ thống cảnh báo điểm mù và phương tiện cắt ngang khi lùi, tính năng khởi động từ xa bằng chìa khóa.