Hành trình xuyên Việt cùng Suzuki XL7 quá ngon, nếu tính riêng phần chi phí chỉ tốn hơn 1.000 đồng/km cho hỗn hợp cao tốc, đường dài, đèo, đường xấu…
Đây là bài chia sẻ hành trình chuyến đi xuyên Việt cùng Suzuki XL7 của em vào cuối tháng Ba đầu tháng Tư. Là một đứa thích đi chơi, thích lái và khám phá những vùng đất mới nên em đã ấp ủ, tự lên kế hoạch từ rất lâu, đến giờ mới có cơ hội thực hiện. Với ít kinh nghiệm có được sau chuyến đi, em hi vọng bài viết sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích các cụ, mợ.
Ảnh từ bài viết tác giả |
Với em, ba thứ quan trọng nhất để thực hiện chuyến đi là :
1. Sức khỏe: đây là điều quan trọng nhất vì các cụ, mợ sẽ phải ngồi xe gần 6000 km trong khoảng thời gian 16 ngày liên tục. Nhiệt độ và thời tiết thay đổi liên tục qua mỗi vùng, miền. Chưa kể có những địa điểm tham quan cần phải đi bộ, trekking leo núi, vượt rừng để có cảnh đẹp sống ảo,… chiến đấu với các cung đường đèo Tây Bắc bao phê nha! Đi về càng thích hơn, giống như lời bài hát của Đen Vâu: “Những ngày đôi chân chưa mỏi, có tiền cũng khó mà mua,…”
2. Thời gian: cần khoảng một tháng để thực hiện chuyến đi. Hãy xếp nó vào kế hoạch ưu tiên, khi có cơ hội là xách ba lô lên và đi thôi.
3. Kinh phí: chi phí khoảng 800.000 đồng/người/ngày cho việc ăn, nghỉ, vé tham quan, xăng, phí cầu đường và những thứ phát sinh khác.
Cần chuẩn bị những gì trước khi đi?
– Một lịch trình cụ thể (càng cụ thể càng tốt, ví dụ ngày hôm đó di chuyển bao nhiêu km, sẽ dừng chân vào thời gian nào, ăn gì, ở đâu,…)
– Sắp xếp lịch trình di chuyển nơi đến tiếp theo trước 17h mỗi ngày (với những ngày di chuyển đường dài) vì sau đó trời tối rất nhanh. Chạy xe tuyến đường lạ giờ đó rất khó. Hợp lí nhất là đến nơi lúc 14-15h sẽ được nhận phòng và có thời gian tham quan.
– Kiểm tra, bảo dưỡng xe cẩn thận trước khi đi (rất quan trọng, đi đèo mà gặp sự cố không biết kêu ai). Em đi bảo dưỡng chiếc XL7 từ hai tuần trước ngày xuất phát, vọc cái màn hình “zin” để kết nối iphone xem TV, Youtube trên đường đi cũng đỡ buồn ngủ ạ!
– Trên xe có ít nhất là 2-3 tài, để nghỉ ngơi thay đổi cho kịp hành trình đặt ra. (Đường đèo Tây Bắc rất khó đi nên tài tay lái phải vững)
– Tham gia các hội review những nơi mình sẽ đến để học hỏi thêm kinh nghiệm ăn ở, vui chơi. Các hội nhóm chuyên chạy xe đường dài để tránh tuyến đường xấu đang sửa chửa và những chốt cần lưu ý.
– Chuẩn bị sẵn tinh thần vì kiểu gì cũng sẽ bị phạt (xe em bị phạt vì những lỗi khá vô lí, chắc các anh thấy biển số Sài Gòn đi xa nên dễ bị để ý hơn). Từ Đà Nẵng trở ra Hà Nội rất ít gặp biển số Sài Gòn.
– Đồng đội: đội hình của em đi từ 3 đến 5 người hợp lí cho chiếc xe 7 chỗ. Đi càng đông càng rẻ vì share được chi phí và thưởng thức được nhiều món ăn vùng miền hơn.
– Kinh phí trung bình là 800.000 đồng/người/ngày… Tiêu chí em đặt ra ưu tiên những món ăn vùng miền chứ không ăn nhà hàng sang trọng này nọ. Khách sạn hay homestay không vượt quá 250.000 đồng/người/ngày. Và ưu tiên nơi được review sạch sẽ hơn là đẹp (nếu được cả hai thì quá tốt).
– Thời gian: em chọn đi khoảng thời gian giao mùa giữa xuân và hè. Lợi thế là không vào cao điểm nên đi đến đâu cũng vắng, ăn ở được phục vụ tốt, giá không lo bị chặt chém. Chụp hình tha hồ một mình một cõi không phải né người. Nhưng có bất lợi chút là không có hoa trái theo mùa và bị dính vài ngày mưa chuyển mùa xối xả không đi đâu được, chỉ ngồi nhìn sương mù trắng xoá.
Về đường đi, hành trình đi chia thành 4 cung đường cụ thể:
– Đường lúc đi:
Sài Gòn – Ninh Bình (đi theo cung đường biển, đến Huế tách ra di chuyển theo Quốc Lộ 15 đường mòn Hồ Chí Minh).
Sài Gòn – Phan Thiết – Nha Trang – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Huế – Quảng Bình hướng Phong Nha Kẻ Bàng – Nghệ An hướng Thanh Chương – Thanh Hoá – Ninh Bình.
Đường Hồ Chí Minh vắng, đẹp, cảnh đẹp, chạy thoải mái, ít có công an. Đoạn này các cụ mợ yên tâm vì chạy khoảng 15-20 phút sẽ có một cây xăng hoành tráng, có thể vào đổ xăng, nghỉ ngơi thoải mái.
– Đường Đông Bắc:
Ninh Bình – Cao Bằng
Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (Hạ Long) – Bắc Kạn (hồ Ba Bể) – Cao Bằng (thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, suối Lê Nin, hang Pắc Bó)
Đoạn này đa số là đi cao tốc, trên đường đi sẽ đi ngang qua tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên nhưng không có gì đặc biệt nên em lướt qua. Vì đường đẹp nên sáng sớm có thể di chuyển từ Quảng Ninh đến Bắc Kạn vẫn kịp tham quan hồ.
– Đường Tây Bắc :
Cao Bằng – Ninh Bình
Cao Bằng (leo núi ngắm Khau Cốc Chà view) – Mèo Vạc – đèo Mã Pì Lèng – Đồng Văn – Hà Giang – Lào Cai – Sapa – đèo Ô Quy Hồ – (Điện Biên – đèo Khâu Phạ – Mù Căng Chải) – Mộc Châu – Hoà Bình (đèo đá trắng) – Hà Nam (chùa Tam Chúc) – Ninh Bình.
Đến đoạn này thì đèo dốc bao phê nhưng ngược lại cảnh đẹp lắm.
Vì lí do thời tiết nên em bỏ qua thành phố Điện Biên và Mù Căng Chải. Cụ mợ nào có đi tuyến này thì kèm hai địa điểm trên trước khi về Mộc Châu để trải nghiệm thêm đèo Khâu Phạ (một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam)
– Đường lúc về :
Ninh Bình – Sài Gòn
Ninh Bình – Thanh Hoá (biển Sầm Sơn) – Nghệ An (Vinh) – Đà Nẵng – Hội An – Kom Tum (Măng Đen) – Gia Lai – Buôn Mê Thuộc – hồ Tà Đùng – Sài Gòn.
Từ Ninh Bình về Hội An mình sẽ đi theo Quốc lộ 1A, Hội An về Sài Gòn đi theo cung đường Tây Nguyên.
Đường từ Hội An đến Măng Đen đang sửa chửa một đoạn khá dài, đường xấu nên xe không chạy nhanh được. Đoạn này cũng có đèo và cảnh đẹp nhưng do vừa đi xong cung Tây Bắc, cả nhóm đều mệt nên tập trung vào ăn uống không còn hứng chụp hình. Tuy đã đi Tây Nguyên vài lần nhưng em đặc biệt thích con người và ẩm thực nơi đây nên chọn cung đường này cho đường về thêm khó.
Phần quan trọng nhất – đánh giá xe
Trước khi đi XL7 thì em chạy Chevy Cruze 2015 nên em chỉ dám so sánh hai con này với nhau thôi ah:
-
Tiết kiệm xăng: XL7 quá ngon so với xe cũ. Tính ra em đi hết cả hành trình chỉ hơn 1.000 đồng/km…cho hỗn hợp cao tốc, đường dài, đèo, đường xấu…
-
Cách âm: em cảm nhận ồn, em đi mâm 17 và mâm “zin” nhưng không có khác biệt… Nếu chỉnh nhạc hay video về mức cao chút thì ổn.
-
-
Máy 1.5, đi đường trường bao phê; còn đường đèo Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Khâu Cốc Chạ thì yếu thấy rõ. Em đi Mã Pì Lèng 6 người lớn, thêm đống hành lý, khi leo đèo phải đi số 2 mới thoát được. Đi hết đỉnh đèo, dừng nghỉ thấy hộp số nó nóng ran. Đèo dốc không cao thì mình đi ON/OFF cho ở số 3 thôi; và vượt với số này rất tốt; không có cảm nhận trễ ga.
-
Máy lạnh: lạnh sâu.
-
Âm thanh: theo em thì tốt, vừa đủ nghe, vừa đủ lấn át tiếng ồn từ bên ngoài.
-
Đèn “zin”: theo em đèn hơi tối, cả đèn sương mù cũng tối, đi đèo mà gặp sương mù thì em chịu, chỉ dám bò 10-20 km/h thôi.
-
Tóm lại: theo em xe ngon trong tầm giá, đi tiết kiệm, đầy đủ công năng và rất đáng để trải nghiệm.
OFer: Joe Phan