Biển số xe xấu và gian nan đổi biển số xấu

Biển số xe xấu và gian nan đổi biển số xấu 1

Sau khi được cấp biển số xe không ưng ý, biển số xấu, nhiều người đã phải bỏ nhiều công sức và chi phí để đổi lại biển số đẹp.

Anh Minh Đăng (quận 8, TP.HCM) chia sẻ với Zing về việc bấm biển số cho chiếc ô tô của mình nhưng không được biển ưng ý. Quyết tâm đổi biển, anh Đăng đang tìm một chủ xe ở tỉnh khác cũng vừa mới bấm biển nhưng không hài lòng để mua bán, trao đổi xe, mục đích là để có biển số xe khác.

“Theo tôi, đây là cách đổi biển số nhanh với chi phí thấp nhất. Đó chỉ là những con số thôi, nhưng mà tôi cũng muốn nhìn nó đẹp một chút”, anh Đăng chia sẻ.

Gian nan đổi biển số xấu

Với những trường hợp chủ xe như anh Đăng, hiện không có cách đổi biển số xe trực tiếp nếu không ưng ý với dãy số được cấp.

Theo quy định hiện hành, các trường hợp được đổi biển số xe chỉ bao gồm dổi biển số bị mờ, gãy, hỏng, bị mất hoặc chủ xe có nhu cầu đổi biển số 3, 4 số sang biển số 5, đổi biển số ngắn sang biển số dài. Như vậy, biển số xe xấu, không ưng ý không nằm trong nhóm được đổi biển số.

Biển số xe xấu và gian nan đổi biển số xấu 2

Tuy nhiên, khi muốn mua, bán, tặng hoặc cho đối với một người chủ sở hữu mới có hộ khẩu thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ xe sẽ phải làm thủ tục đăng ký lại và đổi biển số xe theo số của địa phương mới.

Đây là cách “lách luật” mà nhiều chủ xe như anh Đăng đã làm trong thời gian qua.

Tương tự là trường hợp của anh Tuấn Hải (Hà Nội) với chiếc xe từng mang biển số đuôi 544.16. Cho rằng đây là biển số xấu về mặt phong thủy, anh Hải đã quyết định tìm cách đổi biển số.

Không muốn mất thời gian và cũng không biết nhiều về thủ tục đổi biển, chủ xe này tìm tới những đơn vị làm dịch vụ đổi biển số.

Anh Hải cho biết sau khi bấm biển số, anh nhận được lời mời từ một người làm “cò” chào hàng anh dịch vụ đổi biển. Người này khẳng định anh Hải chỉ việc giao đủ giấy tờ, dịch vụ này sẽ bao trọn gói, thời gian để nhận biển là tầm 1 tháng với chi phí 1 triệu đồng.

“Chỗ bấm biển nào cũng có dịch vụ hết em ơi, sau khi bấm biển xong mà thấy mặt em không vui, sẽ có người đến mời em làm dịch vụ, em thích đổi thì cứ chi tiền là xong”, anh Hải cho biết.

Do đã lưu số điện thoại của “cò”, anh Hải liên lạc lại khi có nhu cầu và đổi biển được thành công. “Chi phí và thời gian đổi biển đúng như họ quảng cáo, mình cũng hài lòng với biển số mới đuôi 941”, chủ chiếc Honda Civic nhận định.

Mong có đấu giá biển để tránh số xấu

Sau khi có thông tin Bộ Công an đã đề xuất triển khai đấu giá biển số xe, nhiều chủ xe bày tỏ ủng hộ vì đây là biện pháp có thể tăng ngân sách cho Nhà nước, cũng như phục vụ cho nhu cầu của một bộ phận người dân.

Khảo sát của Zing cho thấy có 81% độc giả đồng tình với đề xuất đấu giá biển số xe chuẩn bị được trình Quốc hội thông qua.

“Sau khi trải qua đủ thứ thủ tục nhập nhằng để có biển số đẹp “chui”, tôi thấy quy định đấu giá biển số là rất cần thiết, có lợi cho cả đôi bên, Nhà nước có thêm ngân sách, người dân thì có biển số như ý”, anh Tuấn Hải nhận định.

Đồng quan điểm với anh Hải, chị Thu Hằng (quận 7, TP.HCM) cho biết cá nhân rất thích biển số đẹp vì là người làm kinh doanh.

“Biển số không ưng ý khiến tôi có cảm giác bất an. Tôi đang rất mong chờ việc đấu giá biển số được chính thức triển khai để chọn cho mình biển số phù hợp mà không cần phải dùng dịch vụ của “cò” nữa. Tôi cũng mong việc đấu giá diễn ra theo hình thức trực tuyến để tiện hơn cho người dân”, theo chị Hằng.

Theo quy định hiện hành về lệ phí trước bạ và bảng giá tính lệ phí trước bạ của Bộ Tài chính, khi mua bán hoặc sang tên, người mua vẫn phải đóng thuế trước bạ lần 2 cho chiếc xe của mình. Mức đóng sẽ từ 1-2% giá trị xe sau khi đã khấu hao được tính theo thời gian xe đã lăn bánh.

Quy định đấu gía biển số xe

Cuối tháng 6, Bộ Công an đã đề xuất giá khởi điểm cho biển số xe đấu giá khoảng 40 triệu đồng/biển số xe tại Hà Nội và TP.HCM, 20 triệu đồng/biển số xe đối với các tỉnh, thành phố khác.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Nếu được các cấp có thẩm quyền và bộ, ngành thẩm định sớm, dự thảo nghị quyết thí điểm sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới.